Người dân Trung Quốc rất mong chờ ngày 11/11 hàng năm, vì đó không chỉ là ngày lễ dành cho những người độc thân mà còn được coi là "ngày đại hội mua sắm" với những chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm.

Ngày 11/11 hàng năm được coi là "ngày độc thân" của giới trẻ ở một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Bởi vì tính chất đặc biệt được tạo thành từ 4 chữ số 1, giống như 4 cái gậy xếp liền nhau, nên người Trung Quốc gọi đây là ngày "quang côn" (hiểu nôm na là "toàn gậy"), mà "quang côn" trong tiếng Trung lại có nghĩa là độc thân, do đó, giới trẻ Trung Quốc đã xem ngày này như một dịp lễ đặc biệt dành cho những người độc thân.

2-b02d2

"Ngày độc thân" ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Ngày độc thân bắt đầu xuất hiện trong các trường học, sau đó được lan truyền rộng rãi và dần dần tạo thành một nền "văn hóa độc thân" ở Trung Quốc. Có rất nhiều câu chuyện về ngày độc thân được lưu truyền ở quốc gia này, thế nhưng nguồn gốc của nó lại là một ẩn số mà cho đến nay vẫn chưa có ai dám khẳng định. Trong các phiên bản kể về "sự tích của ngày lễ độc thân", được biết đến nhiều hơn cả là câu chuyện "hội nghị thoát "ế" ở ký túc xá đại học Nam Kinh.

Năm 1993, tại một căn phòng trong ký túc xá trường đại học Nam Kinh có 4 sinh viên năm cuối không có người yêu. Mỗi tối, họ đều tổ chức "họp phòng" để nói chuyện trên trời dưới bể, nhưng đến cuối cùng, chủ đề chính của những buổi nói chuyện đều chỉ là thảo luận xem làm sao để có thể thoát "ế". Gần đến ngày 11/11, bọn họ bỗng nảy ra ý tưởng tổ chức một hoạt động kỷ niệm độc đáo dành cho chính mình nhân ngày toàn số 1, con số tượng trưng cho sự lẻ loi. Họ không ngờ được rằng ý tưởng của mình được rất nhiều người cùng cảnh ngộ tán dương và hưởng ứng nhiệt liệt.

Sau đó, việc ăn mừng "ngày độc thân" đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của sinh viên trường đại học Nam Kinh rồi lan rộng sang các trường khác trong vùng. Đến khi những sinh viên đại học ở Nam Kinh tốt nghiệp và tỏa đi khắp nơi lập nghiệp, họ cũng mang theo cả "truyền thống" của trường mình đến các vùng miền khác. Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, "ngày độc thân" dần trở thành một ngày lễ lớn dành cho những người chưa có đôi có cặp tại Trung Quốc.

4-b02d2

 

Ngày độc thân hiện nay dành cho tất cả mọi đối tượng không phân biệt già trẻ gái trai, chỉ cần là người đang độc thân. Hoạt động chính của những người độc thân trong ngày lễ của chính mình là tụ tập ăn uống, hát karaoke hay uống rượu và vui hết mình, cũng có một số người lựa chọn cách điên cuồng mua sắm để quên đi cảm giác cô đơn, trống trải và hoàn cảnh "đáng thương" của mình.

Không chỉ là ngày độc thân, ngày 11/11 còn được coi là "ngày hội mua sắm" của người tiêu dùng Trung Quốc. Bởi vì bắt đầu từ năm 2009, một số công ty lớn chuyên bán hàng trực tuyến đã tận dụng ngày đặc biệt này để đưa ra những mức giá cực kỳ ưu đãi nhằm kích cầu. Sau đó, trước con số doanh thu ấn tượng của những công ty trên, các cửa hàng và thương hiệu cũng đồng loạt rủ nhau giảm giá cho khách hàng, tạo nên một làn sóng mua sắm khổng lồ. Cho đến nay, ngày hội mua sắm 11/11 đã trở thành một hoạt động quy mô lớn không thể thiếu được ở đất nước này, thậm chí còn trở thành ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trên toàn thế giới, vượt qua cả Black Friday và Cyber Monday. Trên trang bán hàng trực tuyến Tmall (thuộc tập đoàn Alibaba), chỉ 33 phút sau khi bắt đầu chương trình khuyến mãi đặc biệt, tổng trị giá giao dịch đã đạt mức 20 tỷ tệ, sau 1 tiếng đồng hồ đã chạm mốc 30 tỷ, một con số cực kỳ ấn tượng. Và đến đúng 12 giờ trưa, tập đoàn Alibaba công bố doanh số đã vượt ngưỡng 57,6 tỷ tệ.

 

3-b02d2

Ngày 11/11 hàng năm không chỉ là "ngày độc thân", mà còn được coi là "ngày hội mua sắm" của người Trung Quốc.

 

Nguồn: kenh14.vn